Hình ảnh của lega.news
Hình ảnh của lega.news

    Thế vận hội Paris 2024: đại hội bê bối, Mỹ - Trung tranh ngôi, Việt Nam kém nhất ĐNÁ

    Phạm Danh
    Phạm Danh12/08/2024 lúc 09:00 GMT0
    19 ngày thi đấu của Thế vận hội Paris 2024 đầy bê bối đã chính thức khép lại với ngôi nhất toàn đoàn thuộc về Mỹ còn thể thao Việt Nam trắng tay với thành tích tệ nhất Đông Nam Á.
    Thế vận hội Paris 2024: đại hội bê bối, Mỹ - Trung tranh ngôi, Việt Nam kém nhất ĐNÁ

    Thế vận hội Paris 2024 đầy bê bối

    Ngay khi mà Thế vận hội Paris 2024 chưa chính thức khởi tranh thì nước Pháp đã rúng động với việc một phụ nữ người Úc cáo buộc bị cưỡng hiếp tập thể. Thông tin này được tờ Le Parisien đăng tải và Văn phòng công tố Paris cũng đã tiếp nhận vụ án. Tuy nhiên, sau đó thì vụ việc đã được lắng xuống vì chủ nhà muốn yên ổn để tổ chức lễ khai mạc Olympic Paris 2024. Trước đó, một vụ án chấn động cũng đã diễn ra ở kinh đô ánh sáng khi bé gái Do Thái 12 tuổi cũng bị cưỡng hiếp. Thế nhưng, chính quyền nước sở tại vẫn làm ngơ vì nhiều chính trị gia của Pháp đang trong tránh rắc rối vì phong trào bài Do Thái tại quốc gia này.

    BTC Olympic 2024 công bố sẽ có khoảng 15.000 binh sĩ và 35.000 cảnh sát được triển khai để đảm bảo an ninh cho giải đấu. Thế nhưng, với từng ấy nhân viên an ninh nhưng cầu thủ Thiago Almada của U23 Argentina lại bị mất trộm tài sản hơn 50.000 USD trong buổi tập đầu tiên. Với quá nhiều cảnh sát như thế nhưng trận đấu của La Albiceleste và Morocco vẫn có quá nhiều khán giả tràn xuống sân khiến trận đấu phải liên tục bị hoãn. BTC Thế vận hội mùa hè 2024 cam kết đây sẽ là kỳ đại hội có sự bình đẳng giới và giảm lượng khí thải carbon nhiều nhất lịch sử. Thế nhưng, với khẩu phần ăn là những thực phẩm chay đơn giản thì chủ nhà đã khiến các đoàn thể thao không thật sự hài lòng.

     Ngay buổi lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024 dù hoành tráng nhưng vẫn vấp phải nhiều chỉ trích. Hình ảnh một người đàn ông khoả thân hoàn toàn trong lớp sơn màu xanh ngồi trên một chiếc đĩa ăn hết sức phản cảm lại xuất hiện trong một lễ khai mạc quốc tế. Sau đó, BTC và nước chủ nhà đã xin lỗi và gỡ video lễ khai mạc khỏi các nền tảng. Dòng sông Seine được chọn làm nơi tổ chức lễ khai mạc sau đó cũng nhận nhiều “gạch đá” vì sự ô nhiễm trầm trọng nhưng chủ nhà vẫn để các VĐV thi đấu. Kết quả, nhiều VĐV đã phải nôn sau khi hoàn thành bài thi tại dòng sông này.

    Thế vận hội Paris 2024
    Nguồn ảnh: sưu tầm

    Bên cạnh khâu chuẩn bị thì Olympic Paris 2024 còn nhận nhiều chỉ trích vì trang thiết bị thi đấu. Có đến 12 trong 16 VĐV thi chung kết xà đơn nam và cầu thăng bằng nữ bị té ngã. Nguyên nhân là chủ nhà dùng thiết bị được cung cấp miễn phí từ một công ty của Bỉ. Hầu hết các thiết bị này đều không giống với dụng cụ mà các VĐV thường xuyên luyện tập. VĐV người Belarus Ivan Litvinovich dù giành được HCV nội dung nhảy bạt lò xo nam nhưng lại bị cấm thượng cờ và hát quốc ca quê nhà. Điều tương tự cũng diễn ra với bộ đôi VĐV nữ của Nga là Mirra Andreeva và Diana Shnaider. Họ đều không được mặc trang phục quốc gia thi đấu mà mặc loại trang phục đơn giản được BTC chuẩn bị cho đoàn VĐV trung lập cá nhân (AIN).

    Thức ăn tệ hại, trộm cắp tại làng Olympic, phòng nghỉ không có điều hoà hay các VĐV phải ra công viên ngủ,… là những hình ảnh tiêu cực xuất hiện tại Thế vận hội Paris 2024 này. Chưa có một kỳ đại hội nào mà lại dính nhiều bê bối như chủ nhà Pháp năm nay.

    Mỹ và Trung Quốc đua nhau đến phút cuối cùng

    Bỏ qua những bê bối bên ngoài thì 10.714 VĐV đến từ 206 đoàn thể thao đã có 19 ngày tranh tài sôi nổi tại Thế vận hội Paris 2024. Phải đến ngày thi đấu cuối cùng thì đoàn thể thao Mỹ mới thật sự có được ngôi nhất toàn đoàn. Các VĐV xứ cờ hoa có cùng 40 HCV như đoàn Trung Quốc nhưng họ có nhiều hơn về số HCB và HCĐ. Cụ thể, đoàn Mỹ có nhiều hơn đối thủ của mình 17 HCB và hơn 18 HCĐ. Họ cũng là đoàn thể thao duy nhất đạt hơn 100 chiếc huy chương tại Olympic 2024 này với 126 chiếc. Đoàn Trung Quốc xếp sau với tổng số 91 huy chương trong đó có 40 HCV, 27 HCB và 24 HCĐ.

    Chiếc HCV của đội tuyển bóng rổ nữ Mỹ chính là chiếc huy chương quyết định thắng bại giữa hai đoàn thể thao hàng đầu thế giới. Các cô gái xứ cờ hoa đã thắng chất vật chủ nhà Pháp với tỷ số 67-66. Đây cũng là lần kỳ Olympic thứ 8 liên tiếp đội bóng rổ nữ Mỹ giành HCV, thật sự vô đối. Ngoài ra, họ cũng thật sự độc tôn ở bộ môn điền kinh tại đại hội lần này với 14 HCV, 11 HCB và 9 HCĐ. Trong 8 kỳ Thế vận hội mùa hè gần nhất thì Mỹ cũng có đến 7 lần chiếm vị trí nhất toàn đoàn. Cách đây 3 năm, họ đã giành được 39 HCV và xếp nhất với chỉ 1 HCV nhiều hơn Trung Quốc.

    Thế vận hội Paris 2024
    Nguồn ảnh: sưu tầm

    Đoàn Trung Quốc đã giành huy chương ở tất cả nội dung mà họ thi đấu ở 2 môn bóng bàn và nhảy cầu với tổng số 13 HCV. Đoàn thể thao Nhật Bản xếp hạng 3 chung cuộc với 20 HCV, 12 HCB và 13 HCĐ. Đấu vật chính là thế mạnh của quốc gia này khi họ giành đến 8 HCV bên cạnh 2 môn Judo và Thể dục dụng cụ đều góp 3 HCV. Đoàn Úc xếp thứ 4 với 18 HCV nhiều hơn đoàn chủ nhà Pháp 2 HCV. Môn bơi lội đã mang về đến 7 HCV và 8 HCB dành cho Úc còn chủ nhà lại mạnh trong bộ môn xe đạp với 3 HCV các nội dung. 5 HCV bắn cung đã giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia châu Á thứ 3 góp mặt trong top 10 BXH huy chương thế vận hội Paris 2024.

    BXH huy chương tại Thế vận hội Paris 2024

    Thế vận hội Paris 2024

    Những VĐV giành được nhiều huy chương nhất Olympic Paris 2024

    VĐV chủ nhà Leon Marchand chính là người giành nhiều HCV nhất tại Olympic Paris 2024. Anh đã có 4 HCV ở các nội dung 200m bơi ếch, 200m hỗn hợp cá nhân, 400m hỗn hợp cá nhân và 200m bơi bướm. Ngoài ra, Marchand còn nhận HCĐ ở nội dung tiếp sức hỗn hợp 4x100m nam. Kình ngư 22 tuổi này cũng đã được vinh danh trong buổi lễ bế mạc của đại hội. Trước đây, Marchand cũng đã từng có 5 lần vô địch thế giới ở các nội dung hỗn hợp cá nhân 200m và 400m nam trong 2 năm 2022 và 2023.

    Nếu chỉ tính tổng số huy chương đạt được thì nữ VĐV bơi lội Zhang Yufei của Trung Quốc là người có nhiều huy chương nhất. Kình ngư sinh năm 2002 này đã giành được đến 6 HC với 1 HCB và 5 HCĐ. Một kình ngư khác của Mỹ là Torri Huske cũng đã giành được 5 huy chương như Leon Marchand. Dù vậy, cô chỉ có được 3 HCV và 2 HCĐ. Nữ kình ngư của Úc là Mollie O’Callaghan cũng đã có được 5 huy chương với 3 vàng, 1 bạc và 1 đồng. Nữ VĐV bơi lội của Mỹ là Regan Smith cũng đã giành được 5 huy chương với 2 HCV và 3 HCB.

    Thế vận hội Paris 2024
    Nguồn ảnh: sưu tầm

     

    Thể thao Việt Nam tệ nhất Đông Nam Á

    Thể thao Việt Nam đã hoàn toàn trắng tay tại Thế vận hội Paris 2024. Điều tiếc nuối lớn nhất của chúng ta chính là xạ thủ Trịnh Thu Vinh khi cô về thứ 4 ở nội dung 10m súng hơi và vào chung kết 25m súng ngắn. Ngoài ra, 2 tay vợt Lê Đức Phát và Nguyễn Thuỵ Linh cũng đã thi đấu đầy nỗ lực trước các đối thủ mạnh hơn ở vòng bảng cầu lông. Khách quan mà nói, các VĐV của chúng ta đều thi đấu hết sức nhưng khác biệt về trình độ là điều chưa thể san lấp. So với Tokyo 2021 thì thể thao Việt Nam ít đi 2 suất tham dự và thành tích cũng tệ hơn.

    Tại Olympic Paris 2024 này thì chỉ có 91 trong tổng số 206 đoàn giành được huy chương. Việt Nam nằm trong nhóm 115 đoàn không có bất kỳ huy chương nào. Tại khu vực Đông Nam Á thì chúng ta cũng bị đánh giá là kém nhất. So với các đoàn không có huy chương như Lào, Campuchia hay Brunei thì Việt Nam có số lượng VĐV tham dự nhiều hơn nhưng vẫn trắng tay. Thế nên, chẳng ngạc nhiên khi chúng ta bị xếp cuối trong bảng xếp hạng các nước ĐNÁ tại đại hội lần này. Đây thật sự là một sự hổ thẹn khi 2 kỳ SEA Games gần nhất thì Việt Nam đều xếp nhất toàn đoàn với số lượng HCV kỷ lục 205 năm 2021 và 136 chiếc năm 2023.

    Thế vận hội Paris 2024
    Nguồn ảnh: sưu tầm

    Philippines là đại diện ĐNÁ có thành tích tốt nhất tại Thế vận hội Paris 2024 với 2 HCV và 2 HCĐ. Thành tích này giúp họ xếp hạng 37 chung cuộc. VĐV Carlos Yulo đã trở thành người ĐNÁ đầu tiên giành 2 HCV ở 1 kỳ Olympic. Anh đã mang về 2 HCV nội dung nhảy sàn và nhảy ngựa của bộ môn thể dụng nghệ thuật. 2 HCĐ của đoàn Philippines giành được ở nội dung boxing nữ 50kg và 57kg. Cách đây 3 năm, họ cũng đã có được 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ tại Tokyo. Tổng cộng, Philippines đã giành được 3 HCV, 5 HCB và 10 HCĐ ở các kỳ Olympic tham dự trước đây.

    Đoàn Indonesia xếp thứ 2 khu vực ĐNÁ và xếp thứ 39 tại Olympic năm nay với 2 HCV và 1 HCĐ. 2 chiếc huy chương vàng mà họ giành được là ở nội dung leo núi tốc độ nam của VĐV Leonardo Veddriq và cử tạ nam 73kg của Rizki Juniansyah. Đoàn thể thao Thái Lan xếp hạng 44 với 1 vàng, 3 bạc và 2 đồng. Họ là quốc gia ĐNÁ có nhiều huy chương nhất. HCV mà người Thái có được là của Panipak Wongpattanakit ở nội dung taekwondo đối kháng nữ hạng cân 49kg. HCB của họ giành được ở nội dung cầu lông nam của Kunlavut Vitidsarn và 2 HCB cử tạ nam 61kg cùng 73kg. HCĐ của Thái Lan đến từ nội dung cử tạ 49kg nữ của Surodchana Khambao.

    Tại ĐNÁ còn có 2 quốc gia khác cũng có thành tích huy chương tại Thế vận hội Paris 2024 là Malaysia và Singapore. Đoàn Malaysia xếp hạng 80 toàn đoàn với 2 chiếc HCĐ ở nội dung cầu lông đơn nam của Zii Jia Lee và cầu lông đôi nam của Teng Fong và Soh Wooi Yik. Đoàn Singapore xếp hạng 84 với 1 chiếc HCĐ đến từ nội dung lướt sóng nam của Maximilian Maeder. Xét về số lượng suất tham dự Olympic 2024 thì Việt Nam có 16 suất, kém xa Thái Lan (51 suất), Malaysia (26), Indonesia (29) và Philippines (22). Điều này cho thấy, những HCV SEA Games mà chúng ta giành được đều không phải thế mạnh dành cho thế vận hội. Thế nên, các nhà hoạch định thể thao nước nhà cần phải xem xét lại và có những điều chỉnh thích hợp trong tương lai.

    Thế vận hội Paris 2024
    Nguồn ảnh: sưu tầm

    Những hiện tượng thú vị tại Olympic Paris 2024

    Đoàn thể thao Saint Lucia mà cụ thể là nữ VĐV điền kinh Julien Alfred chính là hiện tượng thú vị nhất tại Olympic Paris 2024. Quốc đảo này chỉ có 4 VĐV được góp mặt nhưng đã giành được 2 huy chương với 1 vàng và 1 bạc. Cả 2 đều được Julien Alfred mang về với nội dung 100m nữ và 200m nữ. Đây đều là những chiếc huy chương đầu tiên trong lần đầu tham dự Thế vận hội của VĐV sinh năm 2001 này. Đây cũng là 2 chiếc huy chương đầu tiên mà đoàn Saint Lucia có được sau 8 lần tham dự đại hội. Trước đó, Julien Alfred từng giành HCV đại hội thể thao trong nhà thế giới tại Glasgow 2024 hay HCB Olympic trẻ Buenos Aires 2018.

    Leon Marchand của chủ nhà Pháp cũng đã có một kỳ đại hội bùng nổ khi giành đến 4 HCV và 1 HCĐ ở các nội dung của môn bơi lội. Trong lần thứ 2 tham dự Olympic thì kình ngư sinh năm 2002 đã thật sự thi đấu bùng nổ trên quê nhà để giành được những tấm HCV đầu tiên. Nữ VĐV thể dục nghệ thuật của Brazil là Rebeca Andrade cũng có kỳ đại hội thành công hơn khi giành 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ. Trước đó, cô gái sinh năm 1999 này chỉ giành được 1 vàng và 1 bạc tại Tokyo 2020. Nam VĐV bắn cung của Hàn Quốc Kim Woo-jin cũng thăng hoa khi giành 3 HCV bộ môn bắn cung, nhiều hơn 2 chiếc so với cách đây 3 năm.

    Ngay trong lần đầu tiên được tham dự thì nữ cung thủ Lim Si-hyeon cũng để lại dấu ấn đậm nét với 3 chiếc HCV cho đoàn thể thao Hàn Quốc. VĐV sinh năm 2003 này đã đoạt vàng ở 3 nội dung cá nhân nữ, đồng đội nữ và đồng đội nam nữ. Cua-rơ người Hà Lan Harrie Lavreysen đã mang về 3 HCV nội dung đua xe đạp cho đoàn Hà Lan. Nữ VĐV điền kinh Gabrielle Thomas đã có kỳ Thế vận hội thành công ngoài mong đợi khi giành 3 HCV nội dung 200m, 4x100m và 4x400m của nữ. Trước đó, cô chỉ giành được 1 HCB và 1 HCĐ tại Tokyo 2021. Đoàn thể thao New Zealand có 10 HCV tại Thế vận hội Paris 2024 thì riêng cá nhân Lisa Carrington đã đóng góp đến 3 chiếc ở bộ môn Canoeing.

    Thế vận hội Paris 2024
    Nguồn ảnh: sưu tầm

    Hai nam đô vật Islam Dudaev (65kg) và Chermen Valiev (74kg) đã trở thành những VĐV giúp đoàn Albania lần đầu trong lịch sử có huy chương Olympic. Cả 2 đều có được HCĐ ở những nội dung mình thi đấu. Đoàn thể thao Cape Verde cũng có lần đầu tiên giành huy chương tại đại hội. Tay đấm David de Pina đã mang về tấm HCĐ quý giá ở nội dung boxing nam 51kg cho đại diện châu Phi này. Thea LaFond cũng giúp đoàn Dominica lần đầu có huy chương tại Olympic. Cô đã xuất sắc giành HCV nội dung nhảy xa 3 bước nữ. Carlos Yulo cũng là hiện tượng thú vị khi là VĐV Đông Nam Á đầu tiên giành 2 HCV trong 1 kỳ đại hội. Tay vật Cuba Mijain Lopez đi vào lịch sử khi trở thành VĐV đầu tiên giành HCV 5 kỳ Olympic liên tiếp.

    Những kỷ lục nào được phá tại Olympic năm nay?

    Theo thống kê từ Liên đoàn Olympic quốc tế thì Thế vận hội Paris 2024 đã có đến 125 kỷ lục Olympic đã được phá ở 10 nội dung đồng tời 32 kỷ lục thế giới mới cũng được tạo ra ở 8 nội dung. 4 VĐV điền kinh của Mỹ đã phá kỷ lục Olympic ở nội dung 4x400m với thời gian 2 phút 54.43 giây, kỷ lục cũ là 2:55.39 tại Bắc Kinh 2008. Nữ VĐV Marileidy Paulino giành HCV nội dung 400m nữ với thời gian 48.17 giây, vượt qua kỷ lục của 48.25 giây được lập tại Atlanta 1996. Karlos Nasar của Bulgaria giành HCV nội dung 89kg nam với tổng cử 404kg, vượt kỷ lục thế giới 396kg của Lin Dayin tại giải VĐ châu Á 2023.

    VĐV ném lao Arshad Nadeem người Pakistan đã tạo ra kỷ lục Olympic với thời gian 92,97m, vượt qua kỷ lục cũ của Andreas Thorkildsen (Na Uy, 90,57m) lập tại Bắc Kinh 2008. Li Fabin tạo ra kỷ lục Olympic với mức cử 143kg ở hạng cân 61kg. Ở đường đua xanh, Bobby Finke của Mỹ đã phá kỷ lục thế giới ở nội dung 1.500m bơi tự do. Anh hoàn thành bài thi với tổng thời gian 14 phút 30,67 giây, vượt qua cột mốc Sun Yang (Trung Quốc) lập được tại London 2012 là 14 phút 31,02 giây. 4 kình ngư của Mỹ là Regan Smith, Lilly King, Gretchen Walsh và Torri Huske cũng tạo ra kỷ lục thế giới mới ở nội dung 4x100m với tổng thời gian 3 phút 49,63 giây, ít hơn con số cũ 3 phút 50,40 giây.

    Thế vận hội Paris 2024
    Nguồn ảnh: sưu tầm

    Bài viết liên quan

    Bình luận

    avatar-user
    Thêm bình luận...
    Hình ảnh của lega.news
    Hình ảnh của lega.news